Khoa Công nghệ Hóa học và môi trường
Khoa công nghệ hóa học và môi trường
28 tháng 05, 2021
Tên khoa: Khoa Công nghệ Hóa học và Môi trường
1. Địa chỉ liên hệ
Phòng 101 Nhà C3, trường Đại học công nghiệp Việt Trì
Tiên Kiên – Lâm Thao – Phú Thọ
2. Quản lý khoa
TS. Nguyễn Mạnh Tiến - Trưởng khoa
ThS. Đàm Thị Thanh Hương - Phó trưởng khoa
3. Các bộ môn và trung tâm trực thuộc
Bộ môn Vô cơ – Silicat – Thiết bị hóa chất
Bộ môn Công nghệ Hóa hữu cơ
Bộ môn Công nghệ Môi trường – Sinh học
Trung tâm Phân tích và chế biến khoáng sản
4. Giới thiệu về khoa, chức năng và nhiệm vụ của khoa
4.1. Giới thiệu về khoa
- Quá trình thành lập
Năm 1954, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, bắt đầu vào thời kỳ khôi phục lại nền kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc. Trước đòi hỏi cấp bách về đội ngũ cán bộ kỹ thuật phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngày 25/6/1956, Bộ trưởng Lê Thanh Nghị đã ký Quyết định số 184/BCN thành lập trường Kỹ thuật trung cấp II. Ngay từ những năm đầu thành lập, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc, nhà trường đã biên dịch, soạn thảo được nhiều tài liệu và xây dựng được đội ngũ giáo viên để giảng dạy các chuyên ngành: Hoá vô cơ, Công nghiệp thực phẩm, Hoá nhuộm, Khai khoáng, Giấy và đồ hộp. Ngày 29/01/1962, nhà trường đã được đổi tên thành trường Trung cấp Hoá chất, trước yêu cầu cấp bách về đội ngũ kỹ thuật phục vụ cho công nghiệp hóa chất, nhà trường đã mở rộng quy mô đào tạo và thành lập các tổ môn: Hóa Vô cơ, Hóa Hữu cơ và Cơ khí - Hóa công. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ngành công nghiệp hoá chất ngày càng phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong ngành phải có trình độ chuyên môn cao hơn, Tổng cục Hoá chất đã giao cho Nhà trường đào tạo thí điểm đội ngũ kỹ thuật viên cấp cao. Trước tình hình phát triển mới, năm 1980 nhà trường đã thành lập khoa Hóa Vô cơ, khoa Hóa Hữu cơ, khoa Cơ khí hóa chất và đã đào tạo thí điểm khoá kỹ thuật viên cấp cao đầu tiên chuyên ngành Hoá vô cơ và Cơ khí hoá chất và sau đó là chuyên ngành Hoá hữu cơ. Qua hơn 10 năm đào tạo, đội ngũ kỹ thuật viên cấp cao, những sinh viên tốt nghiệp ra trường đã được các doanh nghiệp trong và ngoài ngành đánh giá cao về năng lực chuyên môn đặc biệt là kỹ năng thực hành, nên tháng 9/1995 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã Quyết định cho nhà trường được đào tạo trình độ cao đẳng với 4 chuyên ngành: Hoá vô cơ, Hoá hữu cơ, Hoá phân tích, Cơ khí hoá chất và ngày 24/01/1997 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 47/QĐ-TTg thành lập trường Cao đẳng hoá chất trên cơ sở nâng cấp trường Trung học hoá chất. Cũng vào năm 1997, khoa Cơ khí hoá chất đã đổi tên thành khoa Máy và thiết bị hóa chất – Hóa dầu. Để mở rộng quy mô đào tạo và phù hợp với sự phát triển các ngành đào tạo trong giai đoạn mới, năm 2003 nhà trường đã thành lập khoa Công nghệ Hóa silicat trên cơ sở tổ môn Hóa silicat trực thuộc khoa Hóa Vô cơ. Tháng 2/2006, trường Cao đẳng Hoá chất được Bộ Công Thương và Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng để đưa vào quy hoạch xây dựng trở thành trường đại học. Để đáp ứng được tiêu chuẩn của một cơ sở đào tạo ở trình độ đại học, nhà trường đã tập trung công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo và năm 2007, nhà trường đã thành lập khoa Công nghệ hóa học trên cơ sở sát nhập khoa Hóa Vô cơ và khoa Hóa Hữu cơ và đổi tên khoa Công nghệ Hóa silicat thành khoa Công nghệ Vật liệu. Ngày 20/01/2011, nhà trường chính thức được nâng cấp thành trường Đại học Công nghiệp Việt Trì theo quyết định số 126/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 02/2011, khoa Công nghệ Hóa học đã được thành lập trên cơ sở sát nhập khoa Công nghệ Hóa học, khoa Công nghệ Vật liệu và tổ môn Máy và Thiết bị hóa chất – Hóa dầu. Để mở rộng quy mô đào tạo và phù hợp với sự phát triển các ngành đào tạo trong giai đoạn mới, tháng 01/2014 nhà trường đã thành lập khoa Công nghệ môi trường trên cơ sở Bộ môn Công nghệ Môi trường thuộc khoa Công nghệ Hóa học. Để thuận lợi cho công tác quản lý đào tạo và phát triển của các ngành thuộc lĩnh vực hóa học, tháng 8/2020 nhà trường đã thành lập khoa Công nghệ Hóa học và Môi trường trên cơ sở sát nhập khoa Công nghệ hóa học và khoa Công nghệ môi trường.
- Đội ngũ giảng viên
+ Tổng số cán bộ, giảng viên của khoa là 45 người.
+ Về trình độ: Có 02 phó giáo sư tiến sĩ; 15 tiến sĩ; 27 thạc sĩ, 01 kỹ sư, trong đó có 07 thạc sĩ đang học nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước.
Ngoài ra còn có các giảng viên thỉnh giảng là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ của các trường đại học: Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học bách khoa Hà Nội và các viện nghiên cứu: Viện Khoa học vật liệu, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hóa học, Viện Tài nguyên và môi trường – Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, tham gia giảng dạy.
- Cơ sở vật chất
Khoa Công nghệ Hóa học và Môi trường có 20 phòng thí nghiệm, thực hành được đầu tư với các trang thiết bị hiện đại có thể đáp ứng được các yêu cầu của công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học ở trình độ đại học, thạc sĩ và các bậc đào tạo cao hơn của các lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật hóa học, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm. Đặc biệt, trong năm học 2020-2021, Khoa được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại cho Trung tâm Phân tích và chế biến khoáng sản như: Hệ thống sắc ký lỏng hiệu nâng cao (HPLC); Máy quang phổ hấp thụ nguyên tử (AAS); Máy quang phổ hồng ngoại (FT-IR); Thiết bị phân tích nhiệt trọng lượng (TGA); Máy quang phổ UV-Vis; Máy quang phổ phát xạ Plasma (ICP – OES); Kính hiển vi điện tử quét (SEM); Máy nhiễu xạ tia X (XRD); Máy phân tích cỡ hạt tán xạ Laser; Máy kiểm tra cơ lý; Máy đo đa chỉ tiêu môi trường nước; Máy phân tích đất; Máy đo khí độc đa chỉ tiêu; Chuẩn độ điện thế đa năng; Thiết bị phản ứng cao áp; Thiết bị phản ứng áp suất thấp; Thiết bị phản ứng bằng lò vi sóng, Máy nghiền hành tinh...
4.2. Chức năng nhiệm vụ của khoa
- Quản lý viên chức, người lao động và người học thuộc Khoa Công nghệ hóa học và Môi trường theo phân cấp của Hiệu trưởng.
- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục đào tạo theo kế hoạch chung của Trường, bao gồm: Xây dựng chương trình đào tạo của ngành, chuyên ngành được Hiệu trưởng giao nhiệm vụ; Tổ chức biên soạn đề cương chi tiết và các giáo trình/bài giảng các môn học mà Khoa phụ trách; Tổ chức phát triển chương trình đào tạo Chất lượng cao, xây dựng các đề án, biên soạn tài liệu theo định hướng phát triển của Trường; Tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; Xây dựng và thực hiện phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên, bảo đảm chuẩn đầu ra của người học theo cam kết đã được công bố, đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.
- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; Hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến ngành nghề đào tạo và huy động sự tham gia của người sử dụng lao động vào quá trình đào tạo của Khoa.
- Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ viên chức giảng dạy, chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học; Tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho viên chức; Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho viên chức thuộc Khoa.
- Quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị được giao theo quy định của pháp luật và của Trường.
- Thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng giáo dục và các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng giao.
5. Các ngành nghề đào tạo
Hiện nay khoa Công nghệ hóa học và Môi trường đang đào tạo 01 ngành thạc sĩ Kỹ thuật hóa học và 04 ngành trình độ đại học. 04 ngành trình độ đại học gồm:
5.1. Ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học
Ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học, với các chuyên ngành: Công nghệ các hợp chất vô cơ; Công nghệ điện hóa; Công nghệ hữu cơ – hóa dầu; Công nghệ vật liệu polyme - compozit; Công nghệ hóa dược; Công nghệ sản xuất giấy và xenlulo; Công nghệ gia công các sản phẩm nhựa -cao su; Công nghệ vật liệu silicat; Công nghệ chế biến khoáng sản; Máy và thiết bị hóa chất.
5.2. Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường
Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường, với các chuyên ngành: Công nghệ môi trường; Quản lý tài nguyên môi trường.
5.3. Ngành Công nghệ sinh học
Ngành Công nghệ sinh học, với các chuyên ngành: Công nghệ sinh học; Công nghệ sinh học môi trường; Công nghệ sinh học thực phẩm.
5.4. Ngành Công nghệ thực phẩm
Ngành Công nghệ thực phẩm, với các chuyên ngành: Công nghệ chế biến thực phẩm; Công nghệ sinh học thực phẩm; Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
Trong thời gian tới Khoa sẽ đề nghị mở ngành đào tạo Tiến sĩ Kỹ thuật hóa học.
6. Cơ hội việc làm
6.1. Ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học có thể đảm nhận các vị trí:
- Quản lý và phụ trách kỹ thuật tại các công đoạn trong dây chuyền sản xuất của các các doanh nghiệp sản xuất: các chất vô cơ (a xit HCl, H2SO4, H3PO4, xut – Cl2, các muối vô cơ), phân bón hóa học (phân super lân đơn; phân lân nung chảy; phân đạm: NH4NO3, ure; phân hỗn hợp NPK; phân phức hợp DAP, phân vi sinh), tinh luyện kim loại (tinh luyện đồng, kẽm, vàng, thiếc, chì..), các cơ sở mạ điện (mạ kẽm, niken, đồng, crom, vàng....), các cơ sở sản xuất ô tô (sơn điện di), các cơ sở sản xuất mạch điện tử (mạ đồng, niken hóa học trên nền phi kim), các doanh nghiệp sản xuất: xi măng, thủy tinh, gạch granit, gạch chịu nhiệt, gốm sứ. Các cơ sở: lọc – hóa dầu; gia công nhựa, cao su; sản xuất giấy; sản xuất chất tẩy rửa, nhuộm in... Tiếp nhận, triển khai các công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của các cơ sở sản xuất lĩnh vực kỹ thuật hóa học;
- Quản lý và đảm bảo chất lượng, kế hoạch sản xuất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm của các cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực kỹ thuật hóa học;
- Nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu, các trung tâm ứng dụng và triển khai về kỹ thuật hóa học;
- Cán bộ kinh doanh, tư vấn kỹ thuật cho các nhà cung cấp dịch vụ và phát triển sản phẩm, các công ty tư vấn giải pháp và kinh doanh các dịch vụ thuộc lĩnh vực kỹ thuật hóa học trong và ngoài nước;
- Tham gia giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật hóa học;
- Tự thành lập công ty kinh doanh về các lĩnh vực kỹ thuật hóa học.
6.2. Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường có thể đảm nhận các vị trí:
- Quản lý và phụ trách kỹ thuật tại các bộ phận kiểm tra và xử lý ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp;
- Cán bộ kỹ thuật, quản lý trong lĩnh vực quản lý kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước như: Chi cục quản lý môi trường, Công ty Môi trường đô thị, Ban quản lý các khu công nghiệp, Công ty tư vấn thiết kế....
- Cán bộ quản lý, tư vấn, thiết kế cho các dự án bảo vệ môi trường trong và ngoài nước.
- Nghiên cứu viên tại các Viện nghiên cứu, các Trung tâm ứng dụng và triển khai về CNKTMT.
- Cán bộ kỹ thuật tại các Phòng tài nguyên và môi trường ở các quận/huyện trong cả nước, các Sở tài nguyên và môi trường, cảnh sát môi trường.
- Cán bộ kỹ thuật, quản lý trong các công ty cấp nước, thoát nước, công trình công cộng...
- Cán bộ giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề thuộc lĩnh vực liên quan đến Công nghệ môi trường.
6.3. Ngành Công nghệ sinh học
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học có thể đảm nhận các vị trí:
- Quản lý và phụ trách kỹ thuật tại các cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực Công nghệ sinh học thực phẩm và công nghệ sinh học môi trường.
- Nghiên cứu viên tại các Viện nghiên cứu về công nghệ sinh học, công nghệ sinh học thực phẩm và công nghệ sinh học môi trường.
- Tham gia giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề thuộc lĩnh vực Công nghệ sinh học thực phẩm và công nghệ sinh học môi trường.
- Làm việc ở các cơ quan quản lý có liên quan đến Công nghệ Sinh học của các Ngành, các Bộ cũng như các cơ sở sản xuất trong nước và nước ngoài. Làm việc ở các Trung tâm, Tỉnh, Thành phố như là chuyên viên về Công nghệ Sinh học và công nghệ sinh học môi trường.
6.4. Ngành Công nghệ thực phẩm
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm có thể đảm nhận các vị trí:
- Quản lý và phụ trách kỹ thuật tại các công đoạn trong dây chuyền sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm;
- Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại các Viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm như: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế, Trung tâm phân tích, kiểm định chất lượng thực phẩm,..
- Tư vấn dinh dưỡng cộng đồng, dinh dưỡng lâm sàng tiết chế và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các Trung tâm dinh dưỡng, Trung tâm Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng.
- Nghiên cứu viên tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu về công nghệ thực phẩm.
- Giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề thuộc lĩnh vực Công nghệ thực phẩm.
7. Các nội dung khác
7.1. Công tác nghiên cứu khoa học
Song song với nhiệm vụ đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng luôn được Khoa quan tâm, chú trọng và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Các giảng viên của Khoa luôn đi đầu trong công tác này, hàng năm đã đăng ký và triển khai thực hiện nhiều đề tài các cấp. Trong những năm qua giảng viên của Khoa đã thực hiện 01 đề tài độc lập cấp nhà nước, 15 đề tài cấp Bộ Công thương, 08 đề tài, dự án cấp tỉnh Phú Thọ, đã phối hợp với các đơn vị khác thực hiện 01 đề tài cấp nhà nước, 02 đề tài Nafosted và nhiều đề tài cấp bộ, tỉnh khác. Ngoài ra, giảng viên của Khoa đã chủ trì thực hiện hàng trăm đề tài cấp Trường. Nhiều đề tài được nghiệm thu loại xuất sắc và được ứng dụng trong thực tế dưới sự kết hợp với các doanh nghiệp trong việc chế tạo sản phẩm mới, cải thiện tính năng sản phẩm, công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hơn 200 công trình được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế và tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước, trong đó có 25 công trình được đăng trên các tạp chí ISI và Sopus. Kỹ năng và trình độ nghiên cứu khoa học của các giảng viên trong Khoa đã được các giáo sư ở các nước phát triển đánh giá cao và đã mời kết hợp nghiên cứu như: Trường Đại học Osaka, Trường Đại học tỉnh Fukui, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nara, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản….
Trong những năm qua giảng viên của Khoa đã tham gia nhiều đề án của Bộ Công Thương: Tổ chức các khóa đào tạo công nghệ gia công, quản lý kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ và công nhân các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng nhựa – cao su và kim loại ngành Công Thương; Xây dựng định mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất phân đạm ure, NPK, cao su. Giảng viên của Khoa cũng đã tham gia xây dựng nhiều chương trình, đề án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Tiêu chuẩn kỹ năng nghề sản xuất phân bón, công nghệ mạ, công nghệ chống ăn mòn kim loại, sản xuất pin ắc quy, sản xuất các sản phẩm cao su; Chương trình khung cao đẳng, trung cấp nghề: sản xuất phân bón, công nghệ mạ, công nghệ chống ăn mòn kim loại, sản xuất pin - ắc quy; Danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu nghề: sản xuất phân bón, sản xuất các chất vô cơ, sửa chữa thiết bị hóa chất; Định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo nghề: sản xuất phân bón, sản xuất các chất vô cơ, sửa chữa thiết bị hóa chất; Chuẩn đầu ra nghề: sản xuất gạch granit, sửa chữa tiết bị hóa chất, sản xuất kính hủy tinh.
7.2. Văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao
Từ nhiều năm nay khoa luôn xác định hoạt động văn hóa, văn nghệ - thể dục, thể thao, là một phần không thể thiếu trong các hoạt động của khoa, để tạo môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh, giao lưu học hỏi và góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức và hình thành nhân cách cho sinh viên. Hằng năm khoa đã tổ chức các giả bóng chuyền, bóng đá, hội thi ẩm thực, hội thi cắm hoa, hội thi văn nghệ, nữ sinh thanh lịch… đã được nhiều sinh viên của khoa tham gia và hưởng ứng.